Hội chứng người tốt

HỘI CHỨNG NGƯỜI TỐT
 
“Sếp thường nhờ bạn đảm nhận công việc trong những ngày cuối tuần vào giờ chót. Lần nào bạn cũng nói “được” mặc dù đã có kế hoạch dành cho gia đình. Bạn hậm hực trong lòng vì phải miệt mài với những bản báo cáo vào thứ Bảy.
Bạn gọi món bít-tết đắt tiền ở nhà hàng, nhưng khi người bồi bàn mang lên thì nó đã chín quá. Khi anh ta hỏi, “Mọi thứ thế nào?” thì bạn đáp, “Tốt,” trong lúc ủ rũ nhìn miếng thịt bị cháy.”
 
Nếu từng rơi vào bất kỳ tình huống nào như thế, có thể bạn là một trong rất nhiều người bị “Hội Chứng Người Tốt” – một tập hợp gồm tính cách, thái độ và các đặc điểm hành vi được miêu tả bởi tiến sĩ Robert Glover, tác giả quyển No More Mr. Nice Guy. Cái tên nghe thật hay ho đúng không, nhưng thực ra không đáng mừng lắm đâu.
 
1. Hội chứng người tốt là như thế nào?
“Hội chứng người tốt” nói đến những người luôn cố gắng làm vừa lòng người khác, dù cho điều đó khiến bản thân không thoải mái, bực bội, khó chịu.
Đây là những người luôn lo nghĩ về vẻ ngoài của bản thân, luôn muốn làm “đúng” vì sợ sai. Họ luôn muốn làm hài lòng người khác, né tránh bất kỳ cuộc tranh cãi nào có thể và muốn bản thân trở nên khác biệt.
👉Người Tốt tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ một cách thụ động: Thay vì lên tiếng, họ để người khác dễ dàng lấn lướt mình. Họ là những người dễ dãi và luôn làm hài lòng mọi người.
👉Người Tốt khó từ chối các yêu cầu: Họ tử tế quá mức. Ngại đưa ra yêu cầu vì không muốn làm phiền người khác.
👉Người Tốt cũng tránh xung đột như tránh dịch bệnh vậy. Họ thích hòa thuận hơn là tranh đấu.
👉Người Tốt thường lo lắng vì giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào sự công nhận của người khác và việc làm mọi người yêu mến mình. Họ lãng phí nhiều thời gian cố tìm cách từ chối mọi người và dù thế, thông thường đến cuối cùng họ vẫn đồng ý, vì họ không thể vượt qua được thói quen đó.
 
2. Tuy nhiên, kết quả thường không như mong muốn
“Hội chứng người tốt” hình thành đa phần là do một niềm tin: Ở hiền gặp lành – người tốt chắc chắn tốt hơn người xấu. Những người này tin rằng họ sẽ được yêu mến, đạt được nhiều mục tiêu và không gặp bất kỳ rắc rối nào trong cuộc sống (vì họ né tránh tất cả).
Thế nhưng, đấy chỉ là những nhầm tưởng thôi. “Người tốt” ở đây thường tiếp cận cuộc sống khá thụ động và cách họ giải quyết vấn đề cũng vậy. Điều này vô tình làm nổi bật lên đặc tính yếu đuối, lo âu và hình thành sự phẫn uất.
Do “thuận theo tự nhiên” là cách tiếp cận cuộc sống mặc định của họ, nên Người Tốt ít kiểm soát được cuộc sống của mình và vì thế cảm thấy mình vô dụng, nhu nhược và bế tắc. Họ cũng thường phẫn uất và thù hằn vì những nhu cầu thầm kín không được đáp ứng và họ cảm thấy những người khác luôn lợi dụng mình – mặc dù chính họ là người cho phép điều đó xảy ra.
 
3. Và thực ra, trở thành “người tốt” kiểu này chẳng có gì tốt đẹp
Đầu tiên, “người tốt” ở đây là những người không trung thực, thậm chí là giả dối. Họ luôn tìm cách giấu đi khuyết điểm vì sợ hình ảnh xấu đi trong mắt người khác; luôn tìm cách tránh né tranh luận, chỉ nói điều người khác muốn nghe và giấu đi cảm xúc trong lòng.
“Người tốt” kiểu này thường sẽ trở thành một ngọn núi lửa chực phun trào, nhưng theo một cách bị động. Tức là họ thường không thể hiện thẳng nỗi thất vọng hoặc bực bội của bản thân, mà chọn cách đi “đường vòng” cực kỳ khó chịu.
 
4.Làm thế nào để… bớt tốt đi một chút???
Giải pháp ở đây đơn giản chỉ là học cách từ chối, nhưng không phải với thái độ hung hăng, lấn át người khác.Thay vào đó, thứ họ cần chính là xây dựng một “lập trường” (Là một kỹ năng cân bằng giữa “sự hung hăng lấn át” và “cam chịu làm theo”)
Ngoài ra, hãy biết cách nói thật, vì người ngoài không thể đọc suy nghĩ của bạn đâu. Nếu bạn không nói ra những nhu cầu, những bất mãn của bản thân, chẳng ai biết cả, và họ cũng kệ bạn thôi.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng nên nói thẳng nói thật, nhưng hãy học cách cân bằng giữa quyền lợi của bản thân và của người khác. Trong đó, chắc chắn bạn cần ưu tiên tôn trọng cảm xúc và quyền lợi của mình, vì sự thật là nếu bạn không làm vậy, thì chẳng ai để tâm đến đâu.
(st)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *